Câu hỏi : Ông bà tôi sau khi mất để lại một mảnh đất nhưng không có di chúc. Ông bà có 12 người con, trong đó 10 người muốn để lại phần tài sản này cho con út, còn 1 người không đồng ý nên không kí vào văn bản từ chối nhận thừa kế.
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Luật công chứng 2014 quy định về công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế:
“Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác”.
Theo thông tin bạn cung cấp, ông bà bạn mất không để lại di chúc, hiện tại 10 người con muốn tặng phần di sản thừa kế mình được nhận cho con út. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, những người được hưởng di sản thừa kế có thỏa thuận về việc tặng cho phần di sản của mình cho người con út đó. Gia đình bạn cần có sự thống nhất tất cả những người trong hàng thừa kế để có thể niêm yết công khai di sản thừa kế và thoả thuận phân chia di sản thừa kế.
Xem thêm bài viết :
Có cần chia tài sản cho người thân bị mất năng lực hành vi dân sự
Trình tự thủ tục thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ
– Phiếu yêu cầu công chứng;
– Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng;
– Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết…
– Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (tại đây sẽ thỏa thuận rõ việc 10 người tặng phần di sản thừa kế của mình cho người con út);
– Các giấy tờ nhân thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… của người thừa kế;
– Các giấy tờ về tài sản như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe ô tô…
Sau khi nộp đủ giấy tờ, hồ sơ, Công chứng viên sẽ xem xét, kiểm tra. Nếu đầy đủ thì sẽ tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng. Ngược lại nếu hồ sơ không đầy đủ thì người thừa kế sẽ được hướng dẫn và yêu cầu bổ sung. Nếu không có cơ sở giải quyết thì giải thích và từ chối tiếp nhận.
Bước 2: Niêm yết công khai
Việc niêm yết phải được tiến hành tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản với các nội dung như họ, tên người để lại di sản, người nhận thừa kế, quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế, danh mục di sản thừa kế…Thời gian niêm yết là 15 ngày.
Bước 3: Ký công chứng và trả kết quả
Sau khi nhận được kết quả niêm yết không có khiếu nại, tố cáo, tổ chức hành nghề công chứng sẽ hướng dẫn người thừa kế ký Văn bản khai nhận di sản hoặc Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Trường hợp có mâu thuẫn trong hàng thừa kế không ký được thoả thuận phân chia di sản thì gia đình nộp đơn khởi kiện chia thừa kế tại Toà án nơi có bất động sản.
Thạc sỹ – Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Thanh Xuân, Hà Nội.