Có cần chia tài sản cho người thân bị mất năng lực hành vi dân sự

Câu hỏi : Chú út tôi là người bị mất năng lực hành vi dân sự. Nay ông bà tôi mất để lại một mảnh đất, nếu 4 anh chị em còn lại trong nhà đồng ý thì có phải chú không được chia phần mảnh đất đó không?

chia-tai-san-cho-nguoi-mat-nang-luc

Luật sư tư vấn:

Theo thông tin bạn cung cấp, ông bà bạn mất không để lại di chúc. Do đó, phần di sản do ông bà bạn để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Điều 649 Bộ Luật dân sự 2015 quy định: “Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.”

Khoản 1 Điều 651 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo thông tin bạn cung cấp, ông bà bạn có 05 người con, phần di sản do ông bà để lại sẽ được chia đều cho 05 người con đó. Theo quy định tại Điều 610 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 về bình đẳng về thừa kế của cá nhân: “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”

Như vậy, người mất năng lực hành vi dân sự, cụ thể là chú út của bạn vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế như những người bình thường khác. Tuy nhiên, do là người mất năng lực hành vi dân sự nên cần phải có người giám hộ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho họ. Người giám hộ ở đây có thể là người giám hộ đương nhiên cho người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người giám hộ được cử, chỉ định. Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Mọi giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ theo quy định pháp luật.

Tác giả : Thạc sỹ – Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Thanh Xuân, Hà Nội.

Xem bài viết : Dịch vụ tư vấn về di chúc tài sản thừa kế uy tín, chuyên nghiệp

Bài viết liên quan

09 69 60 30 30

Contact Me on Zalo