Nguyên tắc cơ bản của quan hệ hôn nhân là tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, nhằm xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.
Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật hôn nhân và gia đình và các luật khác có liên quan.
Quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng
Quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng được quy định cụ thể tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.
Quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng và được quy định tại Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Việc sống chung với nhau là nghĩa vụ của vợ chồng. Trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác thì việc sống chung thực hiện theo thỏa thuận(Khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Việc thực hiện quyền về cư trú của người vợ được quy định như thế nào?
Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng hoặc nơi cư trú của người vợ do người vợ và người chồng thỏa thuận. Việc lựa chọn nơi cư trú không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.
(Điều 20 LuậtHôn nhân và gia đình năm 2014).
Vợ, chồng có nghĩa vụ với nhau như thế nào về tín ngưỡng, tôn giáo?
Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau (Điều 22 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Quyền của người vợ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được thực hiện như thế nào?
Người vợ bình đẳng với người chồng và người chồng có nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ người vợ trong việc thực hiện quyền về chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội (Điều 23 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Nếu người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình thì người vợ có các quyền và nghĩa vụ như thế nào?
– Người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình thì có các quyền sau đây:
+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
+ Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật phòng, chống bạo lực gia đình;
+ Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
+ Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
– Người vợ là nạn nhân của bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu(Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007).
Xem thêm :
Phụ nữ bị bạo hành cần phải làm gì để được giúp đỡ?
Thủ tục ly hôn vì chồng bạo hành như thế nào?
Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng về tài sản
Quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng về tài sản trong hôn nhân được quy định tại Điều 24, 28, 29, 30, 31, 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Cụ thể:
- Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định pháp luật và phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng theo khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.
- Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận theo khoản 1 Điều 28 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.
- Vợ, chồng bình đẳng với nhau về:
- Quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
- Không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
- Đồng thời, vợ chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình căn cứ theo Điều 29.
- Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên căn cứ theo Điều 30.
- Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng.
Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng căn cứ theo Điều 31.
- Vợ chồng có trách nhiệm liên đới với các nghĩa vụ chung về tài sản theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với con cái
Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con.
Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (theo khoản 1 Điều 71).
Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định pháp luật.
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con:
- Có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở;
- Yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn khi có căn cứ thay đổi tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình.
- Đồng thời có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi và có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
- Cha, mẹ trực tiếp nuôi con:
- Không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình;
- Yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình;
- Yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người kia nếu việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Về giáo dục con cái:
Cha mẹ vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
- Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.
- Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con.
- Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được.
Về giám hộ cho con:
Cha mẹ là người giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
- Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.
- Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.
- Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định của Bộ luật dân sự.
Về quản lý, định đoạt tài sản của con:
- Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý.
Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con.
Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
- Cha mẹ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Khi con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện.
Kết luận
Trên đây là toàn bộ câu trả lời của chúng tôi về vấn đề quyền và nghĩa vụ của vợ chồng.Nếu có thắc mắc về vấn đề hôn nhân gia đình, bạn vui lòng liên hệ tới Luật sư tư vấn hôn nhân và gia đình chúng tôi Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư của Công ty Luật Hoàng Phú qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0969603030.