Ở Việt Nam, những thiệt hại mà vợ hoặc chồng có thể phải gánh chịu khi ly hôn chưa được xem xét, đánh giá một cách toàn diện do thiếu vắng quy định về việc bồi thường đối với những thiệt hại do việc ly hôn gây ra. Ở Pháp thì bên bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường.
Quy định pháp luật Việt Nam về việc bồi thường thiệt hại khi ly hôn
Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay quy định việc kết hôn được thực hiện dựa trên sự tự do, tự nguyện, do vậy không có quy định về việc bồi thường đối với những thiệt hại do việc ly hôn gây ra. Việc bồi thường thiệt hại chỉ có thể thực hiện khi các bên có thỏa thuận. Trong trường hợp không có thỏa thuận về việc bồi thường, vợ hoặc chồng có thể yêu cầu Tòa án xem xét đến hoàn cảnh, công sức đóng góp, lỗi của các bên,… khi thực hiện hiện việc phân chia tài sản chung vợ chồng để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của mình. Bên cạnh đó, người có khó khăn nghiêm trọng về kinh tế hoặc không có khả năng lao động có quyền yêu cầu được cấp dưỡng khi ly hôn.
Liên quan đến việc phân chia tài sản, về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi khi ly hôn trong trường hợp không có thỏa thuận phân chia tài sản. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, để đảm bảo việc sự công bằng, phù hợp với thực tế, khoản 2, Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định việc xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia còn được dựa trên một số yếu tố như hoàn cảnh, công sức đóng góp, lỗi của các bên,… Quy định này được hướng dẫn chi tiết tại khoản 4, Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT – TANDTC – VKSNDTC – BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình, cụ thể như sau:
Một là căn cứ vào “hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng”. Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng được hiểu là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.
Hai là căn cứ vào“công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung”. Đây được hiểu là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Bên cạnh đó, người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn.
Ba là,“Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập”. Điều này được hiểu là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.
Bốn là “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”. Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng được hiểu là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn, ví dụ như vợ hoặc chồng cố tình tẩu tán tài sản, ngoại tình, có hành vi bạo lực gia đình…
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, để được xem xét, đánh giá khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn thì các bên cần chứng minh những lỗi này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn. Hay nói cách khác, nếu một bên có lỗi trong việc vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn thì không xem xét, đánh giá khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ lỗi mà Tòa án sẽ xem xét việc phân chia tài sản. Về nguyên tắc, tỷ lệ tài sản mà mỗi bên được nhận sẽ tỉ lệ nghịch với mức độ lỗi của họ, bên nào có lỗi nhiều hơn thì sẽ nhận được tài sản ít hơn và ngược lại.
Có thể thấy rằng quy định về việc phân chia tài sản chung của vợ, chồng khi ly hôn nêu trên đã thể hiện tư tưởng tiến bộ của các nhà lập pháp nước ta trong việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có sự tách bạch giữa việc bồi thường thiệt hại do việc ly hôn gây ra với việc phân chia tài sản chung vợ chồng và các khoản trợ cấp khi ly hôn. Do đó, việc bồi thường thiệt hại chỉ có thể thực hiện trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc được lồng ghép vào việc phân chia tài sản hay các khoản trợ cấp khi ly hôn. Điều này chưa thực sự đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của bên bị thiệt hại khi ly hôn. Ví dụ như một số trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất, người vợ phải hy sinh cơ hội nghề nghiệp, cơ hội phát triển giá trị cá nhân,… khi ly hôn để chăm sóc con chung. Vậy những thiệt hại mà người vợ phải gánh chịu trong trường hợp này sẽ được xem xét như thế nào? Có thể thấy rằng việc phân chia tài sản hay những khoản trợ cấp khi ly hôn chưa bù đắp được cho những thiệt hại này.
Trường hợp thứ hai, đó là trường hợp ly hôn do lỗi của một bên. Theo quy định hiện nay thì bên nào có lỗi nhiều hơn sẽ được nhận ít tài sản hơn như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, trong trường hợp một bên có lỗi nghiêm trọng dẫn đến việc ly hôn và đã gây ra sự đau khổ vượt quá giới hạn mà một cuộc ly hôn đương nhiên mang lại thì liệu bên hoàn toàn không có lỗi có được bồi thường cho những thiệt hại do tổn thất về tinh thần không?
Do vậy, việc nghiên cứu vấn đề này trong pháp luật một số quốc gia khác trên thế giới là điều cần thiết nhằm tạo nên cái nhìn đa chiều để từ đó Việt Nam có thể tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nước nhà. dichvulyhon.com
Bồi thường đối với những thiệt hại do ly hôn gây ra theo quy định của Pháp luật
Tại Pháp, khi ly hôn một trong hai vợ chồng đôi khi có thể gánh chịu những thiệt hại mà khoản trợ cấp cho sự chênh lệch về mức sống giữa vợ chồng do ly hôn gây ra chưa thể bù đắp được. Khi đó, bên bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, để được bồi thường thì những thiệt hại này phải đáp ứng các tiêu chí nhất định theo quy định của pháp luật. Tùy thuộc vào nguồn gốc của thiệt hại mà vợ chồng có thể lựa chọn yêu cầu hai loại bồi thường thiệt hại khác nhau gồm: thiệt hại là hậu quả của việc tan rã của cuộc hôn nhân[2] và thiệt hại do hành vi của người phối ngẫu gây ra[3].
Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến trường hợp bồi thường thiệt hại thứ nhất – thiệt hại phát sinh từ việc ly hôn. Theo quy định tại Điều 266 Bộ luật Dân sự Pháp thì việc yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh từ việc ly hôn được thực hiện trong hai trường hợp là ly hôn do lỗi và ly hôn do sự thay đổi tình cảm vợ chồng[5].
-Trường hợp ly hôn do lỗi, người phối ngẫu không có lỗi trong việc dẫn đến ly hôn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cần lưu ý rằng, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ không được chấp nhận nếu việc ly hôn được tuyên bố là do cả hai bên cùng có lỗi. Nói cách khác, việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp ly hôn do lỗi chỉ được chấp nhận khi việc ly hôn được xác định là hoàn toàn do lỗi của một bên vợ hoặc chồng.
-Trường hợp ly hôn do sự thay đổi tình cảm vợ chồng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại được dành cho người phối ngẫu không có yêu cầu ly hôn, thậm chí trong trường hợp người này hoàn toàn có lỗi trong việc ly hôn.
Việc yêu cầu bồi thường chỉ có thể được đặt ra trong quá trình giải quyết vụ án ly hôn. Thiệt hại được bồi thường có thể là thiệt hại về kinh tế lẫn về tinh thần. Theo đó, thiệt hại về kinh tế có thể được bồi thường khi khoản trợ cấp nhằm hạn chế sự chênh lệch về điều kiện sống giữa các bên khi ly hôn không bù đắp được hoặc trong trường hợp không có khoản trợ cấp này do không có sự chênh lệch về điều kiện sống.[6] Ví dụ như trường hợp một bên bị mất việc làm sau khi ly hôn hoặc buộc phải chuyển đến sống với con sau khi ly hôn,…[7]. Đối với thiệt hại về mặt tinh thần, để yêu cầu bồi thường thì bên bị thiệt hại phải chứng minh rằng việc hôn nhân tan vỡ đã gây ra thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: Việc ly hôn đến một hậu quả bệnh lý nghiêm trọng như bên không có lỗi bị trầm cảm nặng sau khi kết thúc cuộc hôn nhân[8].
Như vậy, theo quy định của Pháp thì vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp khi ly hôn. Việc bồi thường đối với thiệt hại do ly hôn gây ra được xem xét độc lập với việc phân chia tài sản chung của vợ chồng và trợ cấp khi ly hôn. Có thể thấy rằng quy định này đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của một bên vợ hoặc chồng – người phải gánh chịu thiệt hại khi ly hôn.
Một vài kiến nghị cho Việt Nam
Như đã trình bày ở trên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa ghi nhận về việc bồi thường đối với thiệt hại do ly hôn gây ra. Công sức đóng góp, lỗi dẫn đến việc ly hôn,… được xem như là một trong những tiêu chí để Tòa án xem xét, cân nhắc khi xác định tỷ lệ trong phân chia tài sản chung vợ chồng. Việc không tách bạch vấn đề bồi thường thiệt hại với việc phân chia tài sản chung vợ chồng và các khoản trợ cấp ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của bên bị thiệt hại khi ly hôn. Bởi lẽ, đôi khi trong một số trường trường hợp như đã nêu ở trên, vợ chồng có thể phải gánh chịu những thiệt hại do việc ly hôn gây ra mà các khoản trợ cấp hay tài sản được nhận khi ly hôn chưa thể bù đắp được. Do vậy, có thể tham khảo một vài kinh nghiệm của Pháp về vấn đề này, cụ thể như sau:
Một là, bổ sung quy định về bồi thường thiệt hại do việc ly hôn gây ra. Việc bồi thường thiệt hại được xem xét độc lập với việc phân chia tài sản chung và các khoản trợ cấp khi ly hôn. Nói cách khác là, nên tách riêng quy định về bồi thường thiệt hại với quy định về phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Đồng thời, các bên vợ, chồng có thể vừa yêu cầu việc trợ cấp vừa yêu cầu bồi thường thiệt hại khi ly hôn. Ví dụ như trường hợp người chồng đi làm có thu nhập, còn người vợ đã phải nghỉ việc để chăm sóc con cái. Sau đó, người chồng đã bỏ nhà đi để chung sống với người tình và yêu cầu ly hôn. Trong trường hợp này, sau khi phân chia tài sản chung vợ chồng theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật, người vợ có quyền yêu cầu người chồng trợ cấp để bù đắp cho sự chênh lệch về mức sống và bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần do việc ly hôn gây ra (chủ yếu là do hoàn cảnh của việc ly hôn).
Hai là, việc bồi thường thiệt hại không đặt ra trong mọi trường hợp ly hôn. Hay nói cách khác, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ có thể được đưa ra trong trường hợp ly hôn do lỗi. Cụ thể trong trường hợp vợ hoặc chồng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của vợ chồng như bạo hành; vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, giúp đỡ giữa vợ chồng; không đóng góp vào việc duy trì cuộc sống chung; ngoại tình;… khiến cho quan hệ hôn nhân không thể tiếp tục được.
Ba là, để được bồi thường thì thiệt hại phải liên quan đến sự tan vỡ của hôn nhân. Điều này có nghĩa là yêu cầu bồi thường chỉ có thể xem xét trong vụ án ly hôn bởi lẽ đây là những thiệt hại do việc ly hôn gây ra. Nếu thiệt hại phải gánh chịu là thiệt hại về kinh tế thì đây phải là những thiệt hại không thể bù đắp được bằng các khoản trợ cấp khi ly hôn hoặc chưa được xem xét khi phân chia tài sản chung. Còn nếu đó là những thiệt hại do tổn thất về tinh thần thì chỉ những thiệt hại có tính chất đặc biệt nghiêm trọng mới được xem xét bồi thường. Để được xem là đặc biệt nghiêm trọng thì những thiệt hại này phải vượt quá những giới hạn thông hạn thông thường do sự đổ vỡ quan hệ hôn nhân mang lại.
Tóm lại, có thể thấy rằng với những quy định hiện nay tại Việt Nam, những thiệt hại mà vợ hoặc chồng có thể phải gánh chịu khi ly hôn chưa được xem xét, đánh giá một cách toàn diện do thiếu vắng quy định về việc bồi thường đối với những thiệt hại do việc ly hôn gây ra. Do vậy, việc bổ sung và quy định một cách minh thị về vấn đề này sẽ góp phần đảm bảo được sự bình đẳng về quyền lợi giữa vợ, chồng cũng như giúp các bên có cuộc sống hậu ly hôn bớt khó khăn hơn.
Ảnh minh họa