Câu chuyện về sự Văn minh hậu ly hôn

Văn minh hậu ly hôn là để chúng ta không nghĩ về nhau bằng một hơi thở dài ngán ngẩm, ngay cả khi đã đường ai nấy đi. Hãy tử tế với nhau khi còn có thể !

Phần 1 

Ngày bước ra khỏi tòa án sau khi nhận quyết định ly hôn, Lan ngồi sụp xuống sảnh và khóc nấc lên từng hồi. Mặc cho người thân, bạn bè ra sức động viên, cô vẫn chẳng thể ngừng lại sự tức tưởi. Còn Dũng – Người đàn ông nay đã trở thành “chồng cũ”, khi ấy, chỉ biết rút điện thoại ra, nhắn tin cho người bạn chung đang có mặt ở đó, nhờ bạn an ủi cô chứ chẳng thể làm gì hơn.

Lan và Dũng hoàn tất thủ tục ly hôn khi khoảng thời gian “vợ chồng son” vẫn còn chưa qua đi. Họ mới chỉ kết hôn được hơn 9 tháng. Cách đây hơn 3 tháng, một cô người yêu cũ của Dũng bất ngờ thông báo về sự hiện diện của một bé gái gần 2 tuổi, là con anh. Dũng ngỡ ngàng, Lan ngơ ngác.

Dũng chia tay cô người yêu cũ này rất lâu trước khi hẹn hò và tiến tới hôn nhân với Lan. Anh cũng chẳng hề được thông báo về việc mình đã “vô tình” trở thành cha của một đứa trẻ. Vượt qua cảm giác hoang mang, Dũng yêu cầu làm xét nghiệm ADN. Kết quả, cô người yêu cũ không nói dối.

au gần 1 tháng trăn trở, Dũng quyết định đón con về, gửi ông bà nội nuôi, còn anh sẽ lo chuyện chu cấp tài chính. Lan không chấp nhận việc sống chung với con riêng của chồng, chứ nói gì tới việc cùng anh chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ ấy. Dũng hiểu cho cú sốc tinh thần mà Lan đang phải chịu và không dám than phiền hay trách móc nửa lời.

Với vợ chồng cô và cả hai bên gia đình, đây thực sự là chuyện tày trời, nhưng may mắn, người lớn rất hiểu chuyện. Bố mẹ ruột của Lan thất vọng ra mặt nhưng vẫn cố gắng khuyên cô hãy cố gắng vượt qua vì suy cho cùng, Dũng cũng ở thế bị động trong hoàn cảnh này. Còn bố mẹ chồng chỉ thiếu nước quỳ xuống xin lỗi con dâu, mong cô tha thứ cho người con trai có lớn mà không có khôn của họ.

Những tưởng mọi chuyện như vậy là đã được giải quyết ổn thỏa nhưng không.

Phần 2

van-minh-hau-ly-hon

Kể từ khi chuyện ấy xảy ra, Lan như trở thành một người khác. Cô liên tục đay nghiến, chì chiết chồng. Gần như chẳng có ngày nào Dũng về nhà mà không phải nghe những lời chửi rủa từ vợ. Từ một cặp vợ chồng son, cả hai dần trở thành những người lạ chung nhà, mà còn là hai người lạ chẳng ưa nhau.

Không thể chịu nổi cảnh ấy, Dũng đề nghị ly hôn. Khoảnh khắc đặt tờ đơn lên bàn, anh đã quỳ xuống trước mặt Lan, nói rằng anh hoàn toàn không có ý định lừa dối cô. Chính anh cũng rất bối rối và sợ khi phải làm cha một cách đường đột như vậy.

“Chúng ta giải thoát cho nhau thôi, sống thế này khổ cho em” – Câu nói cuối cùng mà Dũng thốt ra trước khi đứng dậy, đi vào phòng riêng.

Những tháng ngày sau khi đường ai nấy đi, Dũng vẫn luôn có mặt mỗi khi Lan gọi. 12h đêm cô nói cô bị sốt, anh sẵn lòng lao ra đường mua thuốc, mua cháo, mang tới tận nhà cho Lan. 7h tối trời mưa to, Lan chẳng thể đặt được xe từ công ty về nhà, Dũng cũng không ngại nhích từng cm trên những cung đường tắc nghẹt để tới đưa Lan về.

Dũng còn thương Lan, cộng thêm mặc cảm của một kẻ tội đồ đã làm hỏng đời một người phụ nữ vô tội, nên làm được gì cho Lan, Dũng đều làm hết.

Ly hôn được hơn 1 năm, Dũng có người mới. Đó là người phụ nữ hoàn toàn hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh có phần éo le của anh.

Bỏ qua chuyện cưới xin rình rang, cả hai quyết định chỉ đăng ký kết hôn và làm lễ ăn hỏi, ra mắt gia đình. Sau đó, Dũng cũng đón con gái từ quê lên ở cùng người vợ mới.

Trong suốt khoảng thời gian ấy, anh vẫn luôn xuất hiện mỗi khi Lan cần giúp đỡ, không quan trọng đó là rạng sáng hay lúc tối muộn. Có lẽ, Dũng vẫn sẽ tiếp tục làm như vậy, hết mình tạ lỗi với Lan nếu như cô không nhờ anh tới chở cô từ công ty về nhà vào đúng lúc con gái đang ốm, phải nằm viện.

Tới tận lúc đó, Dũng mới nói với Lan rằng anh đã có gia đình mới.

“Anh xin lỗi, anh vẫn sẽ giúp em nếu có thể nhưng lúc này thì anh không tới được. Để anh đặt xe cho, em chịu khó đợi một lúc vậy” – Tin nhắn Dũng gửi cho Lan sau khi “thú nhận” mọi chuyện.

Dũng không thể ngờ được rằng sau đó, Lan lại tiếp tục đay nghiến, chì chiết mình. Cô liên tục gửi cho anh những tin nhắn dài dằng dặc mà nội dung có thể gói gọn trong 1 câu: “Anh không có quyền được hạnh phúc như vậy sau khi làm đời tôi trở thành một bãi rác!”.

Những tin nhắn Lan gửi, thậm chí Dũng đã không còn muốn đọc. Anh cũng đã tắt thông báo toàn bộ liên lạc của cô. “Độc thoại” mãi mà chẳng thấy hồi âm, Lan nổi cơn thịnh nộ, gọi điện cho bố mẹ chồng cũ, tiếp tục trách móc, dằn vặt ông bà vì chẳng biết dạy con.

Lúc này, Dũng mới tới tận nhà Lan. Anh vẫn quỳ xuống, xin lỗi cô như ngày nào. Trước khi ra về, Dũng không quên van xin Lan hãy sống cho mình.

“Anh là một thằng đàn ông tồi tệ, anh không dám xin em tha thứ. Nếu có điều gì anh muốn xin em, đó chính là em hãy sống cho mình, hãy hẹn hò và kết hôn với một người đàn ông tốt hơn anh đi. Đừng để thằng tồi này chiếm lấy toàn bộ tâm trí và sức lực của em nữa. Không đáng đâu em ạ!”.

Sau cuộc gặp gỡ đó, Dũng “thẳng tay” chặn cả số điện thoại lẫn các trang mạng xã hội của Lan.

Phần 3 :

Bạn bè thân thiết biết chuyện, có người chê Dũng hèn, chẳng hiểu tại sao anh lại phải quỳ gối 2 lần. Có người vỗ tay, khen Dũng đã quá tử tế với vợ cũ trong suốt khoảng thời gian hậu ly hôn.

Mọi chuyện xảy ra cũng đã lâu. Đến nay, con gái Dũng đã chuẩn bị vào lớp 1. Vợ của Dũng cũng đang mang thai con đầu lòng, là một bé trai. Vậy là gia đình “đủ nếp, đủ tẻ”. Sau nhiều biến cố, Dũng cũng đã cho phép mình được hạnh phúc.

Còn Lan, vẫn chưa buông được mối hận với người đàn ông từng là chồng cũ. Cô vẫn đay nghiến anh với tất cả những người bạn chung. Dần dà, chẳng ai còn muốn nghe Lan tâm sự hay than vãn nữa. Bạn chung giờ đã thành bạn riêng, là bạn riêng của Dũng.

Chúng ta đều có khi sai lầm, không ai sống cả đời mà chưa một lần mắc lỗi. Nhưng Lan thì không hiểu điều đó. Trong tâm trí của cô, Dũng vẫn là kẻ phải tạ tội với cô cả đời hoặc không, thì chí ít anh cũng không được phép là người hạnh phúc trước cô.

Sự văn minh hậu ly hôn, đến đây, đã là quá rõ ràng. Có người vẫn luôn thắc mắc cần gì phải văn minh, phải lịch sự với kẻ đã làm mình đau lòng cơ chứ? Đương nhiên, đó là lựa chọn mang tính cá nhân, không ai có thể ép buộc được chuyện này. Vấn đề chỉ là nếu một người chọn “nói không” với sự văn minh hậu ly hôn, chính bản thân họ mới là người bị mắc kẹt lâu hơn trong nỗi đau, trong thù hận. Và hơn cả, lựa chọn ấy khiến họ bị nghĩ về với một hơi thở dài ngán ngẩm.

Vậy có đáng không?

Bài viết liên quan

09 69 60 30 30

Contact Me on Zalo