Tôi đang nộp đơn ra tòa yêu cầu ly hôn và chia tài sản. Nguyên nhân là do trước đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải vào TP.HCM lập nghiệp, còn vợ tôi ở nhà nuôi con trai 5 tuổi. Thỉnh thoảng tôi mới về quê thăm nhà. Sau đó vợ tôi mang bầu và sinh thêm bé gái.
Thời gian gần đây, vợ chồng tôi hay cãi vã. Tôi nghi ngờ bé gái không phải con tôi, mà là con của vợ với một người đàn ông ở xóm trên. Vì thế, tôi đưa bé đi xét nghiệm ADN thì cho kết quả không phải con tôi.
Căn nhà vợ chồng tôi đang ở là của cha mẹ tôi để lại, ông bà đã mất cách đây 10 năm. Tôi là con út trong gia đình. Các anh chị tôi cũng đã lập gia đình và ra ở riêng, họ không có ý kiến gì về căn nhà này. Trước khi cha mẹ tôi qua đời, không để lại di chúc và cũng không có hợp đồng tặng cho tài sản gì hết.
Vậy vợ tôi có được đòi chia tài sản là căn nhà không? Trên giấy khai sinh của bé gái thể hiện tôi là cha đẻ. Tôi có quyền yêu cầu tòa phân xử mình không phải là cha của cháu bé được không?
Tư vấn của luật sư
Đối với phân chia tài sản
Trong trường hợp căn nhà cha mẹ bạn để lại, vẫn chưa thực hiện các thủ tục phân chia di sản theo pháp luật, thì những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi (theo khoản 1 điều 651 bộ luật Dân sự).
Ngoài ra, tại khoản 1 điều 33 luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định: “Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng”.
Như vậy, vợ bạn không được hưởng thừa kế tài sản từ cha mẹ chồng để lại. Căn nhà là do bạn và anh, chị, em bạn được hưởng thừa kế riêng, do đó vợ bạn không có quyền đòi chia tài sản.
Xem thêm : Nhà trả góp, khi ly hôn chia thế nào?
Vàng cưới là tài sản chung hay tài sản riêng? Khi ly hôn vàng cưới thuộc về ai?
Đối với bé gái không phải con ruột
Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy bé gái 3 tuổi không phải là con ruột của bạn, thì theo điều 101 luật Hôn nhân và gia đình, thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con như sau:
Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết…
Quyết định của tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Căn cứ vào quy định trên, bạn có thể nộp đơn đến tòa án cấp huyện nơi bạn cư trú để yêu cầu tòa án xác định mối quan hệ cha, con.
“Bạn nên chọn đơn vị có chức năng giám định ADN đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép để có kết quả chính xác nhất. Theo tôi, quan hệ tình cảm hai cha con có ý nghĩa rất thiêng liêng, nên bạn phải hết sức cân nhắc trong việc xác định cha con và cũng như trong cấp dưỡng nuôi con và phân chia tài sản”, luật sư Hậu chia sẻ.